Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Thăng Long - Thị xã Kinh Môn

23/4/2023  |  English  |  中文

Giới thiệu tổng quan - Xã Thăng Long


I. MẢNH ĐẤT VÀ CON NGƯỜI.

Xã Thăng Long ngày nay có 5 thôn gồm Bến Thôn, Lộ Xá, Hà Tràng, Trung Hòa, Tống Long, nằm về phía Tây Nam thị trấn Kinh Môn. Thăng Long có diện tích đất tự nhiên là 600,67ha; Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 349,85ha, đất thổ cư là 250,82ha. Số hộ trong toàn xã tính đến thời điểm 07/2024 là 2.581 hộ với 9.723 nhân khẩu. Dưới chế độ thực dân phong kiến 5 thôn ngày nay gọi là làng, mỗi làng xã là một đơn vị hành chính độc lập thuộc tổng Hà Tràng, huyện Giáp Sơn, Phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Mặc dù đời sống kinh tế, xã hội cơ bản giống nhau, song thời gian hình thành, phát triển của 5 làng cũng có những đặc điểm chung.

1. Làng Trung Hòa.

Theo gia phả của các dòng họ để lại thì vào thế kỷ thứ XII dòng họ Bùi Văn đã có những người đến định cư. Sau đó các dòng họ khác cũng lần lượt về đây cùng nhau khai khấn đất đai, mở rộng khhu dân cư, lập thành trại ấp gọi là Ấp Hồng Phường. Cách đây khoảng 160 năm ấp Hồng Phường đổi thành làng Trung Hòa. Hiện nay Trung Hoa có khoảng 16 dòng họ sinh sống. Trước Cách mạng tháng 8/1945 diện tích tự nhiên của làng là 334 mẫu, ruộng canh tác 310 mẫu, trong đó địa chủ chiếm 230 mẫu. Nghề nghiệp chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, một số người làm thêm nghề đan nát, đánh bắt tôm cá…

2. Làng Tống Long.

Vào đầu thế kỷ XIV có 2 dòng họ Nguyễn Văn và Bùi Văn về đây khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp, đến đầu thế kỷ XVI có thêm dòng họ Nguyễn Hữu, Nguyễn Đức và đến thế kỷ XVII có 13 dòng họ cùng nhau sinh sống lập lên ấp Tống Giáp, cuối thế kỷ XVIII gọi là làng Tống Long hay làng Tông (tên nôm). Làng Tống Long diện tích đất tự nhiên chỉ có 143 mẫu, trong đó 93 mẫu đất dùng để canh tác. Đến tháng 10/1954 do sự điều chỉnh của Chính phủ diện tích canh tác của làng lên 103 mẫu. Nghề nghiệp của nhân dân trong làng chủ yếu là trồng trọt.

3. Làng Hà Tràng.

Cuối thế kỷ XV dòng họ Nguyễn  Văn về sinh sống và lập lên ấp Hà Tràng. Sau đó các dòng họ Nguyễn hữu, Nguyễn Đức, Dương Văn cũng lần lượt về đây định cư, mở rộng làng xóm. Đến nay làng Hà tràng có tới 37 dòng họ. Diện tích đất tự nhiên là 320 mẫu, diện tích canh tác là 160 mẫu. Nghề nhiệp chủ yếu của nhân dân trong làng là trồng dâu nuôi tằm.

4. Làng Lộ Xá.

Làng Lộ Xá được lập lên cuối các triều địa Vua Hùng. Thần Phả của làng còn lại đến ngày nay có ghi: Vào thời vua Hùng Vương có ông Hý Vũ Đại Vương được vua cho đi kinh lý về phía đông đến Trang Khu (tên làng trước đây) thấy cảnh quan đẹp, đất đai trù phú, dân làng hiền hậu ông dừng lại và túc ngụ tại đây lập lên làng gọi là Làng Lộ Xá. Như vậy là làng đã có từ hàng ngàn năm nay. Đến nay làng có khoảng 9 dòng họ sinh sống. Diện tích đất tự nhiên là 500 mẫu. Dân trong làng sống bằng nghề cấy lúa, trồng mầu, một số ít gia đình trong làng còn làm thêm nghề phụ song thu nhập không đáng kể.

5. Làng Bến Thôn.

Trước năm 1945 có nghệ nhân tên là cụ Hậu Gốm quê ở Bắc Ninh có nghề làm gốm, đúc gốm bát phong đến ngã ba Kéo thuộc sông Kinh Thầy buôn bán giao lưu. Cụ thấy đất đai màu mỡ, trên bến dưới thuyền cụ mở lò gốm và thuê nhân công làm, công việc làm ăn diễn ra thuận tiện và sau đó có 6 cụ gồm cụ họ Nguyễn Huy, họ Lê, họ Nguyễn Hữu, họ vũ, họ Đào đến cùng nhau làm ăn , lập ấp và gọi là Làng Gốm hay làng Ba Kèo.

Năm 1948-1949 sau trận chiến giữa quân đội Việt Minh và lính Pháp càn quét, trận đó dân làng gọi là trận Động Thổ, lúc đó làng được chuyển vào làng trong cầu gốm. Năm 1872 giặc Pháp đổ bộ lên Hải phòng lập đồn bốt và bắt dân di phu, bắt lính. Chúng xây dựng đường 186 cầu Gốm được bắc qua sông bằng gỗ nay gọi là cống Đông Quan. Dân cư lúc đó có 30 hộ lên đến 100 khẩu. Đến năm 1950 sau trận phục kích của Việt Minh pháp đuổi dân ra trại giáp An Điền gọi là làng Trại và được gọi chung là Làng Gốm hay làng Đồng Quan Bến thuộc xã Quang Thành. Năm 1956 Ủy ban hành chính Tỉnh quyết định thành lập xã Thăng Long làng được đổi tên thành làng Bến Thôn – xã Thăng Long.

Nhìn chung xã Thăng là một xã đồng bằng của huyện Kinh Môn, địa hình khá bằng phẳng. Trải qua các biến động của lịch sử tên đất, tên làng đã có sự thay đổi. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, do yêu cầu xây dựng củng cố chính quyền cách mạng cho phù hợp với nhiệm vụ và quản lý hành chính, quản lý Nhà nước ở cơ sở. Theo sự chỉ đạo của ủy ban Cách mạng lâm thời và Việt Minh huyện Kinh Môn, tháng 3/1946 xã Lạc Long được thành lập gồm 6 làng thuộc Tổng Hà Tràng trong đó có: Tống Long, Lộ Xá, Hà Tràng thuộc xã Thăng Long ngày nay.

Cũng trong thời kỳ này làng Trung Hòa và Đồng Quan Bến sát nhập với các làng: Xạ sơn, Tống Thượng, Đồng Quan Nội thành xã Quang Thành. Như vậy từ tháng 3/1946, 5 làng của Thăng Long ngày nay thuộc về 2 xã Lạc Long và Quang Thành. Cũng trong khoảng thời gian này trở đi các làng được gọi là thôn. Sau khi cơ bản hoàn thành cải cách ruộng đất, căn cứ quy mô dân số, địa giới hành chính, diện tích và tình hình nhiệm vụ mới tháng 6/1956 Ủy ban hành chính Tỉnh Hải Dương có quyết định thành lập xã Thăng Long thuộc huyện Kinh Môn gồm 3 thôn của xã Lạc Long tách ra là: Tống Long, Hà Tràng, Lộ Xá và 2 thôn của xã Quang Thành là Đồng Quan Bến (Bến Thôn )và thôn Trung Hòa của xã Quang Thành

Xã Thăng Long phía Đông giáp xã Lạc Long, phía Bắc giáp xã Quang Thành; Phía Tây và Tây Nam giáp sông Kinh Môn. Sông Kinh Môn là một con sông lớn chảy qua xã. Sông không chỉ cung cấp nguồn thủy sản dồi dào mà còn là đường giao thông thủy quan trọng của xã và của huyện. Bên canh đó sông Kinh Môn còn cung cấp nước và nguồn phù sa cho nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trong xã.

Nguồn: Văn hóa xã